Thời gian gần đây, ngành xi măng đối mặt với tình trạng dư thừa. Năm 2014, mặc dù lượng tiêu thụ xi măng đã có tăng trưởng nhưng vẫn chưa theo kịp với năng lực sản xuất.

Năng lực sản xuất xi măng trong nước không ngừng được tăng lên trong những năm vừa qua khi hàng loạt dây chuyền mới được đưa vào hoạt động. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm 2014 có thêm 3 dự án xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng lên 74 với tổng công suất thiết kế là 77,35 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước chỉ hơn 50 triệu tấn, công suất dư thừa hơn 25 triệu tấn. Vì vậy, tâm thế của nhiều đơn vị sản xuất xi măng trong nước là xác định rõ khó khăn, chủ động đối mặt và tìm hướng giải quyết.

Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cần phải xác định rằng trong vòng 5 năm nữa năng lực sản xuất xi măng vẫn dư thừa, do vậy phải sống chung với tình trạng đó, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt về giá bán, quan trọng hơn cả là xác định rõ tâm thế để chủ động đưa ra giải pháp. Trên thực tế, đã có những đơn vị sản xuất xi măng chấp nhận hạ giá bán, thậm chí bán hòa vốn hoặc dưới giá thành để duy trì hoạt động, giảm tồn kho.

Một trong những giải pháp hàng đầu của Vicem để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm là giữ vững những thị trường cốt lõi vốn là nơi tiêu thụ truyền thống. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các dòng sản phẩm. “Giá bán có thể cao hơn vài chục nghìn đồng một tấn, tính cả công trình cũng chỉ chênh vài triệu đồng, nếu cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, người tiêu dùng sẽ không đắn đo quá nhiều khi lựa chọn xi măng”, ông Lương Quang Khải chia sẻ.


Xuất khẩu đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán cung vượt cầu trong ngành xi măng

Hướng đi được nhiều doanh nghiệp xi măng lựa chọn khi sản xuất dư thừa là tìm cách xuất khẩu. Trong tổng số 70,6 triệu tấn xi măng, clinker tiêu thụ năm 2014, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2013. Xi măng là mặt hàng nặng, chi phí vận chuyển cao nên thời gian trước đây, xuất khẩu thường không được chú trọng.

Vài năm gần đây, xuất khẩu đang dần trở thành kênh phân phối thường xuyên đối với các sản phẩm xi măng, chủ yếu là clinker. Như đối với Vicem, lượng xuất khẩu chiếm 12-15% tổng sản lượng, năm 2014 đạt hơn 3 triệu tấn, trong đó, khoảng 2,5 triệu tấn là clinker. Xuất khẩu đã góp phần quan trọng để giải quyết bài toán tiêu thụ, nhất là vào những thời điểm thị trường trong nước sụt giảm mạnh do tính chất thời vụ.

Mặc dù vậy, để hoạt động này đạt hiệu quả, kinh nghiệm của nhiều đơn vị cho thấy, cần tránh tình trạng đua nhau xuất khẩu dẫn đến bị ép giá. Hợp đồng ký kết với đối tác phải linh hoạt, có hợp đồng cố định, có hợp đồng thả nổi giá. Xuất khẩu chỉ nên duy trì nếu mang đến hiệu quả, không nên tìm cách xuất khẩu bằng mọi giá.

Thông tin được cập nhật từ Vật liệu xây dựng Đà Nẵng

Đánh giá bài viết này

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hotline
Hotline: 0901.920.920 - 0935.537.085 (Tư vấn khách hàng) - 0901.920.920 (Zalo hoặc Viber)